Nhận tư vấn nhiều hơn

Đã gửi yêu cầu thành công

Cảm ơn bạn đã liên hệ!

SAP là gì? Tìm hiểu giải pháp SAP và ứng dụng trong doanh nghiệp

Ngày đăng:

03/03/2025
what-is-sap
Chào các bạn, trong quá trình mình search các bài viết trên Internet về các thông tin cơ bản nhất của SAP nhưng có khá nhiều bạn làm các hệ thống khác nói về SAP nhưng chưa đúng. Có một motip là các bạn dùng các định nghĩa có sẵn để làm nội dung và giới thiệu nhưng chưa thực sự hiểu SAP là gì. Các bạn chuyên về SAP thì ít chia sẻ thông tin, các bạn ngoại đạo thì chia sẻ bị sai. Bài viết này hi vọng đóng góp thêm các thông tin cho cộng đồng.
SAP là gì? Đây là câu hỏi đầu tiên và cơ bản nhất với câu trả lời là: "SAP là tên viết tắt của cụm từ System Application Programing, đây chính là tên của công ty cung cấp phần mềm nổi tiếng tại nước Đức. SAP được biết là phần mềm hoạch định doanh nghiệp được phát triển bởi công ty SAP và tung ra thị trường vào năm 2006. Phần mềm SAP còn được biết đến bằng tên gọi đầy đủ hơn, đó là SAP ERP (Enterprise Resource Planning). SAP mang đến cho doanh nghiệp hàng loạt kế hoạch nguồn lực quan trọng như: quản lý quan hệ khách hàng, quản lý tài chính, quản lý chuỗi cung ứng,…"
Thông tin này đúng, nhưng mình cảm giác còn thiếu khá nhiều.
Trong bảng xếp hạng của "Best Global Brands 2024" của Interbrand, SAP là thương hiệu xếp thứ 20 trên toàn thế giới với định giá 36,8 tỷ đô (USD) và không quá chênh lệch với định giá thương hiệu của Oracle.

Và trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới năm 2024 của tạp chí Fotune, SAP SE đang xếp hạng 450 với doanh thu hơn 34 tỷ đô (USD) trong năm 2024.
Định giá của SAP SE (Market Value) hiện tại là 266 tỷ đô (USD).
Và SAP SE là một công ty công nghệ, phát triển các sản phẩm phần mềm liên quan đến các giải pháp dành cho doanh nghiệp áp dụng vào vận hành các công ty của họ. Ví dụ như bạn làm việc bên phòng mua hàng, cần tạo một chứng từ mua hàng thì sẽ lên hệ thống để tạo chứng từ đó,... các thao tác đó sẽ được hệ thống ghi nhận lại và được gọi là một quy trình vận hành trong doanh nghiệp.
Trong các sản phẩm mà SAP SE phát triển, tạo nên tên tuổi của SAP SE phải kể đến giải pháp ERP (Enterprise Resource Planning).
Trong nhóm sản phẩm ERP, hiện tại khi tìm hiểu trên thị trường, các bạn có thể nghe đến các thông tin như: SAP S/4HANA, SAP By Design, SAP Business One. Thực tế ngoài thị trường, các bạn còn được nghe các tên gọi như SAP A1 và SAP B1. Trong đó SAP A1 là dùng để chỉ sản phẩm là SAP ECC hay SAP R/3 hoặc SAP S/4HANA, còn SAP B1 là tên gọi để chỉ sản phẩm là SAP Business One.

Trong hình mô tả này, các bạn có thể tham khảo qua dòng thời gian phát triển của sản phẩm là SAP S/4HANA. Cụm từ HANA hay SAP HANA dùng để chỉ công nghệ mới của cơ sở dữ liệu mà SAP SE bắt đầu áp dụng cho các sản phẩm ERP của mình. Khi đó, các sản phẩm ERP cũng sẽ có tên HANA phía sau như SAP S/4HANA để gọi sản phẩm ERP thế hệ thứ 4 của SAP hay SAP Business One HANA là sản phẩm SAP Business One sử dụng SAP HANA là nền tảng cơ sở dữ liệu.
Tham khảo thêm bài viết: "Các sản phẩm ERP của SAP"
Giải pháp SAP S/4HANA là một giải pháp ERP rất phức tạp, thường được giới thiệu và áp dụng cho các công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, cần kiểm soát chuyên sâu và có ngân sách lớn để duy trì vận hành hệ thống hằng năm.
Bên cạnh các khách hàng là doanh nghiệp lớn áp dụng SAP S/4HANA, SAP SE cũng có các sản phẩm ERP phục vụ thị phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tên gọi là SAP Business One. Cộng đồng các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm SAP Business One hiện tại cũng khá lớn với hơn 80,000 doanh nghiệp đã áp dụng với hơn 1 triệu người dùng thường xuyên trên hệ thống.

Với dòng sản phẩm ERP cho thị trường Mid-Market, SAP Business One cũng có một lịch sử lâu đời và vẫn đang tiếp tục phát triển với các lộ trình các tính năng mới trong tương lai. Hiện tại ở riêng thị trường Việt Nam cũng đang có hơn 900 doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống SAP Business One với version Cơ sở dữ liệu là Microsoft SQL (trước version 10.0) hoặc SAP HANA (từ version 9.3 trở đi) (gọi là SAP Business One on HANA). Và cộng đồng cũng khá sôi động trên toàn thế giới.
Còn với giải pháp ERP dành cho doanh nghiệp lớp, quy mô mức tập đoàn, ở thị trường Việt Nam hiện tại, các bạn sẽ nghe nhiều đến giải pháp SAP A1, đây là sản phẩm trọng tâm chính của SAP SE. Hiện tại giải pháp này đang có 2 gói được giới thiệu đến các khách hàng đang bước đầu chuyển đổi từ các hệ thống khác sang các sản phẩm của SAP là GROW with SAPRISE with SAP.
Điểm khác biệt khá lớn giữa SAP Business One và SAP S/4HANA ngoài việc SAP Business One thường áp dụng cho doanh nghiệp SMEs còn SAP S/4HANA dành cho khối doanh nghiệp Enterprise thì còn nằm ở việc mở rộng hệ thống cho các phần customization. Đối với SAP Business One, sẽ khá khó kiếm được đối tác mới nhận handover lại các phần phát triển thêm từ các dự án đã vận hành. Đa phần đối tác mới chỉ chấp nhận hỗ trợ maintenance phần SAP Business One standard. Còn khách hàng sử dụng SAP S/4HANA thì dễ dàng thay đổi đối tác hỗ trợ hơn. 
Giải thích cho lý do này là vì về mặt technical, SAP S/4HANA có ngôn ngữ lập trình riêng là ABAP, và tất cả phần enhancement đều quy về chuẩn chung. Khi có thay đổi nhân sự trong dự án thì các phần được tuỳ chỉnh luôn có tính kế thừa trong việc bàn giao. Còn đối với SAP Business One, về mặt technical thì hệ thống có thể dùng nhiều loại ngôn ngữ lập trình để phát triển. Điểm mạnh này cũng gây nên một trở ngại trong việc khách hàng thay đổi đối tác cung cấp dịch vụ, có một số phần được bàn giao sẽ không rõ ràng hoặc logic không nhất quán.
Vậy còn SAP S/4HANA, GROW with SAP và RISE with SAP khác gì nhau? Các sản phẩm của SAP có đáp ứng được các nhu cầu vận hành phức tạp của một doanh nghiệp?
Để trả lời cho các câu hỏi trên, đầu tiên các bạn có thểm xem qua hình mô tả bên dưới.
Source: sap.com
Giải pháp ERP của SAP sẽ giải quyết các quy trình tại các phòng ban hoạt động trong doanh nghiệp. Cơ bản nhất là kế toán, đến phòng mua hàng, bán hàng, sản xuất, kho vận,... Và sự liên kết các quy trình này hiện tại được SAP SE giới thiệu với các định nghĩa như Lead to Cash, Procure to pay, Record to Report,... thay vì các module như Mua hàng, Bán hàng, Tồn kho, Sản xuất, Kế toán với các tên gọi như SD, MM, PP, FICO,... như trước đây.
Trong hình mô tả trên, ngoài core ERP với các quy trình vận hành cơ bản, sẽ có phần nâng cao trong giải pháp của SAP S/4HANA nữa được gọi là SAP S/4HANA LoB Solution. ví dụ như các tính năng Advance Warehousing, Advance Transportation, Product Lifecycle Mgmt,...
Các bạn có thể xem tiếp hình mô tả bên dưới cho quy trình Lead-to-Cash.
 
Quy trình này sẽ được SAP mô tả như sau: 
The Lead to Cash process encompasses the entire customer journey, from the initial lead generation to the final transaction, and plays a vital role in driving revenue and business growth.

Và đây là các giai đoạn của một quy trình Lead-to-cash

 

Các dữ liệu chính của quy trình vận hành sẽ được ghi nhận kết quả tại core ERP của SAP là SAP S/4HANA. Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp khách hàng muốn quản lý thêm các quy trình vận hành khác, SAP sẽ có các giải pháp liên quan để hiện thực hóa toàn bộ quy trình này như SAP Emarsys, SAP Sales Cloud, SAP Commerce Cloud, SAP Services Cloud,...

 


Các tên sản phẩm phổ biến mà các bạn thường được nghe như SAP Success Factor, SAP Ariba, SAP Fieldglass, SAP Concur,... được gọi là Modular Cloud LoB Solution.
Và trong phần vận hành core của hệ thống ERP, không chỉ có mỗi quy trình Lead-to-Cash mà còn có nhiều quy trình khác nữa.
 
 

Ở thị trường Việt Nam hoặc các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng SAP vào vận hành sẽ triển khai trước phần core ERP là SAP S/4HANA này nên các bạn sẽ nghe khá nhiều về các bài báo liên quan đến sản phẩm đó và nguồn nhân lực chính cũng hiện đang tập trung bên sản phẩm này.

Vậy để triển khai SAP S/4HANA thì khách hàng cần chuẩn bị cơ bản các hạng mục bao gồm: Tìm kiếm đối tác tư vấn triển khai dự án, Đối tác cung cấp hạ tầng (máy chủ, cloud, Database,...), Dịch vụ về kỹ thuật, Dịch vụ về bảo mật, Hỗ trợ vận hành sau khi hệ thống Go-live,...

Nhận thấy có quá nhiều hạng mục quan trọng trong dự án này dẫn đến các việc chuẩn bị, triển khai, chi phí dự án tăng cao từ phía khách hàng nên SAP chuyển chuyển đổi phương thức triển khai truyền thống sang một package mới được gọi là RISE with SAP.

Khi nói đến RISE with SAP, đây vẫn là giải pháp SAP S/4HANA nhưng trong gói package này sẽ có luôn các gói về hạ tầng hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật hệ thống,... Khi đó khách hàng sẽ chỉ cần tập trung vào phần tìm kiếm đối tác triển khai và hỗ trợ vận hành hệ thống sau Go-live.

Với xu thế lên Cloud hiện tại, các sản phẩm của SAP cũng offer các gói triển khai on cloud mà không còn hỗ trợ các sản phẩm triển khai on-premise nữa (ngoài SAP Business One hiện tại vẫn có thể triển khai On-premise). 

Khi đó SAP S/4HANA sẽ có 2 package mà các bạn có thể nghe đến khi tìm hiểu trong thời gian sắp tới đó là RISE with SAP (hay còn gọi là S/4HANA Private Edition) và GROW with SAP (S/4HANA Public Edition).

Khách hàng hiện hữu đang sử dụng hệ thống SAP từ các phiên bản trước như ECC, R/3 khi chuyển đổi lên S/4HANA thường sẽ là RISE with SAP (Private Cloud Edition).

Đối với việc nâng cấp hay chuyển đổi hệ thống, các bạn có thể xem qua bài viết: "Tổng quan về SAP ERP, Các phương pháp chuyển đổi hệ thống" để hiểu rõ hơn với các trường hợp từ một phần mềm local chuyển sang dùng SAP hoặc là đang dùng version cũ của SAP mà muốn upgrade hệ thống thì như thế nào.

Còn đối với các doanh nghiệp mới đang lựa chọn giải pháp ERP từ SAP hoặc chuyển đổi từ các hệ thống ERP khác sang SAP thường sẽ xem xét được tư vấn một trong 2 sản phẩm là RISE with SAP hoặc GROW with SAP.

Mô hình cung cấp dịch vụ SAP sẽ là SAP cung cấp và quản lý phần mềm, hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật. Các đối tác cung cấp các dịch vụ tư vấn, triển khai và quản lý ứng dụng để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi liền mạch sang Cloud.

Có một vài điểm khác biệt giữa GROW with SAPRISE with SAP ví dụ như về mặt hạ tầng, bộ giải pháp GROW thì sẽ sử dụng Datacenter của SAP được tổ chức ở các khu vực như Nhật Bản, Singapore, hay Cloud4C ở Việt Nam... còn RISE thì khách hàng sẽ được chọn lựa nhà cung cấp hyperscaler cho dịch vụ cloud như Google Cloud, AWS, Azure.

Về mặt triển khai, bản RISE thì sẽ khá tương đồng với các phiên bản trước, các chức năng sẽ dễ dàng tuỳ biến hơn theo nhu cầu đặc thù của khách hàng, còn GROW sẽ hướng khách hàng theo Fit-to-Standard khi bộ giải pháp đóng gói sẵn theo BEST PRACTICE của ngành. Khi mở rộng đặc thù thì GROW sẽ tổ chức theo site-by-site app ở BTP.

Hay mặt khác biệt lớn giữa GROW và RISE là khách hàng sẽ không cần chủ động upgrade version khi SAP sẽ hỗ trợ luôn infrastructure ,...

Tiếp đến, các bạn xem qua tiếp hình mô tả này:

Bên trên là phần mình mô tả phần các phần liên quan đến các sản phẩm của SAP từ core ERP đến các sản phẩm Modular LoB Solution, chủ yếu liên quan đến quy trình vận hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với mặt kỹ thuật, khi Cloud đã trở thành một trong 4 nền tảng công nghệ chính trên toàn thế giới (bao gồm AI, Blockchain, Cloud, Data) thì nền tảng cho các sản phẩm của SAP hiện tại là SAP Business Technology Platform (còn gọi là SAP BTP). Trong BTP sẽ có các nhóm ứng dụng chính bao gồm Build App, AI, Automation, Data and Analytics

Ví dụ như hiện tại AI đang là một xu thế công nghệ và đã len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống hay trong vận hành doanh nghiệp. SAP cũng sẽ không nằm ngoài xu thế đó. AI copilot của SAP có tên là Joule sử dụng nội dung trên các giải pháp đám mây của SAP để cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi, hướng dẫn và giúp người dùng hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Business Technology Platform sẽ là nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái SAP hoạt động. Theo xu hướng chung, các sản phẩm ERP của SAP sẽ được triển khai trên Cloud và được gọi là Cloud ERP. Trong Cloud ERP này sẽ có rất nhiều sản phẩm như S/4 HANA, SAP B1,....

Tất cả những sản phẩm mà mình nêu ở trên, hãng SAP sẽ cố gắng giữ chuẩn nhất có thể. Các phần phát triển thêm, SAP sẽ đưa ra các platform riêng biệt để hỗ trợ trong doanh nghiệp.
Hiện tại với việc các công ty bắt đầu chuyển hệ thống lên Cloud, độ tin cậy và bảo mật là những đặc điểm thiết yếu cần có. SAP BTP cho phép các khách hàng sử dụng có thể đổi mới trên Cloud mà không can thiệp vào các ứng dụng core, giúp chuẩn hóa hệ thống SAP đang vận hành. Trên BTP, các khách hàng hoặc đối tác có được môi trường phù hợp để di chuyển các tùy chỉnh (customize) hiện có lên Cloud và phát triển các tùy chỉnh mới, đơn giản hóa việc bảo trì và cải thiện độ tin cậy của các ứng dụng SAP. Tất cả đều nằm trong một môi trường an toàn và được quản lý tốt hơn và hãng SAP cũng đảm bảo doanh nghiệp khách hàng sẽ có lợi thế nhiều nhất khi triển khai SAP mà đang có một số hệ thống khác đang vận hành.

Cơ bản SAP BTP là một platform giúp cho việc tích hợp các hệ thống trên cloud dễ dàng hơn, tăng khả năng bảo mật, nâng cao hiệu suất hoạt động, quản lý dữ liệu dễ dàng, đơn giản hóa việc mở rộng thêm các ứng dụng chuyên sâu,... Để chi tiết hơn về phần này, các bạn có thể xem qua phần giới thiệu SAP BTP.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn có thể hình dung được SAP là gì, các sản phẩm của SAP phục vụ nhu cầu gì, đâu là sản phẩm nổi tiếng nhất của SAP. Đối với mặt công nghệ, khi tìm hiểu về SAP BTP, các bạn sẽ biết được SAP đang ứng dụng AI vào các sản phẩm như thế nào hay phân tích Data thì SAP đang có các tool nào, tự động hóa các quy trình ra sao,... Và SAP không chỉ có mỗi sản phẩm về core cloud ERP mà còn các rất nhiều các giải pháp khác phục vụ các doanh nghiệp vận hành từ CRM, HRM, BI, Datawarehouse,... đến các công cụ phục vụ xu hướng công nghệ mới nhất hiện tại...

Để lại Lời nhắn

Đăng ký nhận bảng tin 🙌

Luôn được cập nhật với những bài viết chia sẻ mới nhất từ mình qua email.

Đăng ký ngay bây giờ, huỷ bất cứ khi nào.