Chào mừng các bạn đến với bài viết này, trong quá trình làm công tác tư vấn về giải pháp SAP, mình nhận thấy là hiện tại có nhiều anh chị đang hiểu lầm hoặc chưa rõ một số tên gọi hay khái niệm của các giải pháp SAP. Khi là SAP A1, SAP B1, khi là SAP FICO, SAP SF, ECC, S4, SAP ERP...
Bài viết dựa trên các thông tin chủ quan từ các nguồn tài liệu mà mình tìm hiểu được, nếu có chổ nào chưa chính xác thì các bạn có thể bổ sung bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé.
Đầu tiên là về khái niệm ERP, chắc hẳn đây là một cụm từ các bạn đã quen khi đọc trong các bài viết của mình: ERP là viết tắt của "Enterprise Resource Planning" (hoạch định tài nguyên doanh nghiệp). Và các hệ thống ERP có thể được tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu và quy trình kinh doanh cụ thể của mỗi doanh nghiệp. Một hệ thống ERP thông thường bao gồm các module chức năng khác nhau, như tài chính, quản lý nguồn nhân lực, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý kho, quản lý sản xuất và nhiều module khác. Thông qua việc tổ chức dữ liệu và quy trình trong một hệ thống duy nhất, ERP giúp cải thiện hiệu suất, sự nhất quán và khả năng ra quyết định của doanh nghiệp áp dụng để vận hành.
Hiện tại trên thế giới chia thành 2 loại là ERP Global (Quốc tế) và ERP Local (Nội địa). Phần mềm kế toán MISA (sau này có phiên bản ERP là AMIS), Fast, Bravo,... đều là các phần mềm ERP nội địa. Còn các hệ thống SAP, Oracle, Microsoft Dynamic, Infor,... là các hệ thống ERP quốc tế.
Trong biểu đồ trên, phần màu xám với ~49% thị phần còn lại là dành cho các hệ thống ERP Local tại từng quốc gia, còn lại SAP chiếm hơn 20% thị phần toàn cầu, Oracle chiếm ~19%, Microsoft chiếm 9,4% và Infor chiếm 7,4%,...
SAP cũng như bất kỳ sản phẩm công nghệ nào khác, luôn luôn xây dựng, cải tiến, phát triển các sản phẩm của mình kể từ khi thành lập. Hệ sinh thái của SAP có rất nhiều sản phẩm, và đối với mảng ERP, ở thị trường Việt Nam, các đối tác triển khai SAP sẽ tư vấn triển khai các sản phẩm với các tên gọi mà bạn có thể nghe đến đó là SAP S/4 HANA, SAP Business One HANA và SAP ByDesign.
I/ SAP S/4 HANA
Khi các bạn đọc báo, các bài viết về kinh tế, kinh doanh, doanh nghiệp, các bạn sẽ thấy: " Doanh nghiệp X, tập đoàn Y chi hàng triệu, hàng chục triệu đô la đầu tư hệ thống SAP ERP,..." thì đây đa phần hiện tại là sản phẩm SAP S/4 HANA mà tùy từng thời điểm các phiên bản sẽ có nhiều tên gọi khác nhau, có khi là SAP All-in One, SAP ECC, R/2, R/3, S/4 HANA, Rise with SAP,...
Trong hình mô tả bên trên là lịch sử phát triển của sản phẩm SAP S/4 HANA khi phiên bản đầu tiên được ra đời năm 1979 với tên gọi R/2. Khi đó SAP phát triển phần mềm dành cho doanh nghiệp tiêu chuẩn dựa trên công nghệ mainframe. Phiên bản đầu tiên được gọi là SAP R/2. Chữ "R" trong tên đề cập đến thời gian thực từ cụm từ Real-Time. Mặc dù trước đó đã có R/1 nhưng không được xem là bản phát hành đầu tiên.
Trong ảnh là mainframe IBM 7079. Chiếc 7079 đầu tiên được lắp đặt vào tháng 11 năm 1959. Vào năm 1960, một chiếc mainframe như thế này được bán với giá 2.900.000$, còn nếu thuê thì giá là 63.500$ mỗi tháng.
Mainframe là một loại máy tính thường được sử dụng bởi các công ty, tập đoàn cũng như những tổ chức chính phủ nhằm phục vụ cho các công việc cần xử lí lượng lớn dữ liệu, chẳng hạn như thống kê dữ liệu, lên kế hoạch sử dụng tài nguyên, xử lí giao dịch… Thuở ban đầu, chữ mainframe được người ta dùng để chỉ những thùng máy lớn chứa bộ xử lí và bộ nhớ của những máy tính cỡ lớn. Thế nhưng sau này, khi nhắc tới mainframe, người ta nghĩ đến một cỗ máy to lớn và mạnh mẽ hơn những máy tính cá nhân. Ngoài ra, mainframe còn có tên gọi khác là "Big Iron".
Giai đoạn năm 1992, SAP phát hành một sản phẩm mới có tên là SAP R/3, ứng dụng mô hình Client/Server. Cũng trong giai đoạn này, SAP All-in-One (hay còn gọi là SAP Business All-in-One) được giới thiệu vào cuối những năm 1990 và cũng phát triển dựa trên nền tảng SAP R/3.
Với việc giới thiệu mySAP ERP vào đầu những năm 2000, mySAP ERP và SAP R/3 có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Thực tế, mySAP ERP được xem là phiên bản nâng cấp tiếp theo của SAP R/3. Với mySAP ERP, hãng SAP tập trung tích hợp các quy trình kinh doanh qua các bộ phận khác nhau trong tổ chức. mySAP ERP cung cấp các chức năng nâng cao cho quản lý mối quan hệ khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng và quản lý vòng đời sản phẩm.
Về mặt công nghệ, mySAP ERP được xây dựng trên cơ sở kiến trúc SAP R/3 và chia sẻ nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu với phiên bản trước. Việc nâng cấp từ SAP R/3 lên mySAP ERP cho phép các doanh nghiệp cải thiện chức năng và tính năng của hệ thống ERP của họ mà không cần thay đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng công nghệ.
Trong hình mô tả trên, giai đoạn 1979 - 1992 từ phiên bản R/2 chuyển sang R/3 và giai đoạn 2004-2015, SAP dùng cụm từ "New Codeline" để mô tả một khái niệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm của hãng. Khi SAP đề cập đến New Codeline, nghĩa là họ sẽ đề cập đến việc tạo ra một dòng mã nguồn mới hoặc một nhánh mới để phát triển các tính năng và cải tiến mới cho phần mềm của hãng. Trong giai đoạn này, New codeline được sử dụng để chỉ việc phát triển các phiên bản phần mềm mới hoặc các phiên bản lớn hơn của sản phẩm SAP. Nó cho phép nhóm phát triển tách biệt công việc phát triển mới và việc bảo trì phiên bản cũ, đồng thời đảm bảo tính ổn định và hiệu suất của hệ thống SAP.
Giai đoạn năm 2004, Khi công nghệ Web trở nên phổ biến hơn, SAP đã phát triển một nền tảng ứng dụng tích hợp mới gọi là SAP NetWeaver. Bây giờ, tất cả các ứng dụng SAP đã được chạy trên một nền tảng chung, khách hàng cũng như đối tác có thể xây dựng và tích hợp các ứng dụng hiện có một cách dễ dàng bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn Web phổ biến, chẳng hạn như kiến trúc dựa trên dịch vụ (SOA). Ngoài ra, một thời gian sau, một khung chuyển đổi mới được giới thiệu để cho phép khách hàng chỉ kích hoạt có chọn lọc các chức năng mới do SAP phát triển để tránh làm gián đoạn các quy trình cốt lõi của họ.
Thời điểm này, sản phẩm được phát triển trên nền tảng SAP R/3 và đã đổi tên thành SAP ERP (hay còn gọi là SAP ECC) là người kế nhiệm mySAP ERP. SAP ECC (ERP Central Component) đã trở thành một trong những phiên bản ERP phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Sản phẩm này cung cấp các giải pháp cụ thể cho từng ngành và cho phép tích hợp với các sản phẩm SAP khác, chẳng hạn như SAP CRM (Quản lý mối quan hệ khách hàng - Customer relationship management) và SAP SCM (Quản lý chuỗi cung ứng - Supply Chain Management)
Cùng với sự phát triển của công nghệ, giai đoạn 2015, SAP S/4 HANA là sản phẩm tiếp theo và mới nhất được giới thiệu khi SAP dùng cụm từ New Codeline để đặc tả rõ hơn sự phát triển của sản phẩm này. Ngoài sự khác biệt về hạ tầng triển khai được chuyển đổi từ on-premise sang on-cloud, trình làng giao diện Fiori cho phép người dùng có thể sử dụng trực quan hơn mà không cần nhớ các T-Code thì còn có sự khác biệt nền tảng cơ sở dữ liệu của 2 phiên bản:
- Với SAP ECC, giải pháp này sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu quan hệ (relational database management system - RDBMS). Điều này có nghĩa là SAP ECC có thể hoạt động trên một số nền tảng cơ sở dữ liệu quan hệ khác nhau, bao gồm Oracle Database, Microsoft SQL Server và IBM DB2. Mỗi hệ thống cơ sở dữ liệu này có khả năng lưu trữ và quản lý dữ liệu theo cấu trúc quan hệ, sử dụng ngôn ngữ truy vấn SQL (Structured Query Language). Các hệ thống cơ sở dữ liệu này đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất, độ tin cậy và khả năng mở rộng cho các ứng dụng SAP ECC.
- Còn nền tảng cơ sở dữ liệu của SAP S/4 HANA là một hệ cơ sở dỡ liệu mới có tên là SAP HANA. Được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị SAP TechEd vào năm 2010, SAP HANA là một hệ thống cơ sở dữ liệu bộ nhớ trong (in-memory database) được phát triển bởi SAP. SAP HANA sử dụng công nghệ cơ sở dữ liệu in-memory để cung cấp hiệu suất và khả năng xử lý dữ liệu nhanh hơn, hỗ trợ việc lưu trữ và xử lý dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc, cho phép các ứng dụng SAP S/4HANA truy vấn và phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và linh hoạt. Điều này cung cấp hiệu suất cao hơn, khả năng thích ứng nhanh hơn, và khả năng phân tích dữ liệu thời gian thực cho các ứng dụng của hãng. Hiện tại SAP HANA tiếp tục được phát triển và cải tiến, trở thành cốt lõi của nhiều giải pháp SAP, bao gồm SAP S/4HANA (ERP), SAP C/4HANA (Quản lý mối quan hệ khách hàng), SAP BW/4HANA (Data Warehouse) và nhiều hơn nữa. Nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khả năng xử lý dữ liệu nhanh chóng và phân tích thời gian thực cho doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hiện nay, các khách hàng doanh nghiệp có mô hình hoạt động phức tạp, ngân sách lớn, được triển khai từ 2015 đến nay thường sẽ sử dụng 1 trong 3 phiên bản:
- SAP S/4HANA Private Cloud: Đây là một phiên bản của SAP S/4HANA được triển khai trên nền tảng đám mây riêng tư. SAP S/4HANA Private Cloud cung cấp sự linh hoạt và khả năng tùy chỉnh cao cho doanh nghiệp, cho phép họ triển khai và vận hành SAP S/4HANA trên một môi trường đám mây được quản lý và bảo mật. Sau đó, RISE with SAP là một giải pháp platform mang tính chiến lược từ SAP. RISE with SAP cung cấp một loạt các dịch vụ và công nghệ để giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, mở rộng và tối ưu hóa các quy trình kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng. Gói này bao gồm sự kết hợp của SAP S/4HANA, SAP Business Technology Platform, SAP Business Network và các dịch vụ hỗ trợ từ SAP và các đối tác.
(Trước đó gói SAP S/4 HANA này có triển khai theo hình thức on-premise nhưng hiện tại không còn ở thị trường Việt Nam.)
- SAP S/4HANA Public Cloud (GROW WITH SAP): Đây là một phiên bản của SAP S/4HANA được triển khai trên nền tảng đám mây công cộng. SAP S/4HANA Public Cloud cung cấp một giải pháp ERP đầy đủ và linh hoạt dựa trên mô hình phần mềm dưới hình thức SaaS (Software-as-a-Service). Trong mô hình này, hệ thống SAP được triển khai và quản lý trên các nhà cung cấp đám mây công cộng, chẳng hạn như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure hoặc Google Cloud Platform. Điều này cho phép doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ và tài nguyên đám mây để triển khai và vận hành hệ thống SAP của Doanh nghiệp mà không cần xây dựng và quản lý hạ tầng riêng.
Cho dù có khác biệt về tên gọi nhưng cốt lõi các sản phẩm ERP của SAP cung cấp các chức năng và module quản lý chính bao gồm:
- Kế toán tài chính SAP (FI)
- Kế toán quản trị (CO)
- Bán hàng và phân phối (SD)
- Kế hoạch sản xuất (PP)
- Quản lý vật liệu (MM)
- Quản lý chất lượng (QM)
- Quản lý nguồn nhân lực (HCM)
- Quản lý dự án (PS)
- Bảo trì nhà máy (PM)
Hệ thống sẽ được tùy chỉnh để phù hợp với các quy trình kinh doanh của từng công ty. Các anh chị đã làm SAP khá lâu, giai đoạn tầm trước 2015 thì hầu như đều được tiếp xúc với SAP ECC. Còn giai đoạn từ 2015 trở đi sẽ biết về SAP S/4 HANA.
Tổng kết các giai đoạn trên của sản phẩm, bạn có thể xem qua hình ảnh này:
II/ SAP Business One on HANA
Bạn còn nhớ biểu đồ thị phần màu xám với 49% dành cho các giải pháp ERP Local mà mình gửi ở đầu bài viết chứ!?
Trong quá trình phát triển, khi hệ thống SAP R/3 được áp dụng cho các khách hàng là doanh nghiệp lớn, mô hình tập đoàn, toàn cầu,... có 1 phân khúc thị trường mà SAP muốn giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình đến với nhiều khách hàng hơn. Đó là thị trường SMEs - Các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là nhóm các doanh nghiệp không thể đang sử dụng các phần mềm rời rạc và có chi phí khá thấp để rồi đùng một 1 phát bỏ ra hàng triệu đô để triển khai giải pháp ERP và tốn thêm hàng trăm ngàn đô mỗi năm cho việc vận hành hệ thống.
Khi đó vào khoảng giữa thập niên 1990, SAP đã đầu tư rất nhiều cho việc phát triển giải pháp cho các SMBs có tên là "Dự án Heidelberg". Đây là một dự án hướng tới mục tiêu cung cấp giải pháp tích hợp toàn bộ các hoạt động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (phần lớn các doanh nghiệp nhóm này không có nhân viên IT).
Nhiều người cho rằng rằng các doanh nghiệp càng nhỏ thì càng đơn giản trong khâu vận hành, quan điểm đó đã nhiều lần được chứng minh là không đúng. Thông thường tại các doanh nghiệp nhỏ, nhân sự cho khâu quản lý ít hơn và các nhân viên thường có nhiều vai trò hơn, người quản lý bán hàng cũng có thể kiêm luôn việc tiếp thị hoặc người quản lý mua hàng cũng có thể chịu trách nhiệm về kho hàng. SMBs thường không có ai kiêm nhiệm một chức năng nhất định, nơi các công ty lớn sẽ có hàng chục đến hàng trăm người nắm giữ các vị trí tương tự.
Do không hiểu rõ về thị trường SMBs, nên ban đầu SAP định hướng giảm bớt tính năng trong SAP R/3 cho phù hợp với doanh nghiệp SMBs hơn là xây dựng giải pháp mới đáp ứng nhu cầu cụ thể của khách hàng. SAP đã nỗ lực thực hiện dự án trong nhiều năm nhưng không mang lại kết quả. Đó là cơ hội của SAP Business One.
Khác với SAP S/4 HANA, giải pháp SAP Business One là 1 giải pháp được hãng SAP mua lại từ 1 doanh nghiệp phát triển phần mềm ở Israel có tên là QuickSoft vào tháng 2/2002.
Sản phẩm ban đầu có tên là OCEK (tên tiếng Anh là Practitioner), đây là lý do khiến hầu hết các tệp tin cơ sở dữ liệu trong SAP Business One bắt đầu với O (OINV, OCRD, v.v...). Và từ năm 1995, OCEK đã đổi tên thành MENAHEL (Manager - Tên tiếng Anh). Tên trong triếng Hebrew có nghĩa là "Phần mềm quản trị và kế toán dành cho doanh nghiệp"
Trong lộ trình phát triển từ lúc thành lập đến khi thuộc 1 phần hệ sinh thái của hãng SAP, SAP Business One hiện tại là giải pháp ERP được sử dụng rộng rãi nhất của SAP khi có hơn 60,000 khách hàng với hơn 1 triệu người dùng ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về cơ bản SAP Business One có tất cả các module chức năng mà 1 hệ thống ERP của SAP có, từ tài chính kế toán, quản trị mua hàng, bán hàng, Kho vận, sản xuất, Dự án, Dịch vụ,... nhưng tên gọi sẽ không phải là FI-CO, MM, SD, PP,... như giải pháp SAP S/4 HANA.
III - SAP Business By Design
Trong giai đoạn phát triển vượt bậc của công nghệ giai đoạn 2007, SAP công bố kế hoạch phát triển một sản phẩm ERP khác là SAP Business ByDesign, mục tiêu là cung cấp một giải pháp ERP toàn diện và linh hoạt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mô hình dịch vụ đám mây. Tên gọi ban đầu của sản phẩm này là "A1S" và đến năm 2008, SAP công bố rằng sản phẩm sẽ được đổi tên thành "SAP Business ByDesign".
Mặc dù đã công bố về tên sản phẩm là SAP Business byDesign nhưng mãi đến giai đoạn 2009-2010, hãng mới chính thức phát hành version đầu tiên. SAP ByDesign cho phép các khách hàng sử dụng giải pháp ERP trong môi trường đám mây, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc triển khai và duy trì phần mềm trên cơ sở hạ tầng riêng.
SAP Business ByDesign cũng cung cấp một loạt các module chức năng khác nhau để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh toàn diện của một doanh nghiệp. Dưới đây là một số module quan trọng trong SAP Business ByDesign:
- Quản lý tài chính (Financial Management): Bao gồm quản lý tài sản, quản lý kế toán, quản lý ngân hàng và quản lý nguồn lực tài chính.
- Quản lý bán hàng (Sales Management): Bao gồm quản lý khách hàng, quản lý bán hàng, quản lý hợp đồng và quản lý cung ứng.
- Quản lý mua hàng (Procurement Management): Bao gồm quản lý nhà cung cấp, quản lý mua hàng và quản lý thanh toán.
- Quản lý kho và vận chuyển (Inventory and Supply Chain Management): Bao gồm quản lý kho, quản lý vận chuyển, quản lý sản xuất và quản lý dự án.
- Quản lý nhân sự (Human Resources Management): Bao gồm quản lý thông tin nhân viên, quản lý tuyển dụng, quản lý đào tạo và quản lý tiền lương.
- Quản lý dự án (Project Management): Bao gồm quản lý dự án, quản lý phân công công việc và quản lý tài nguyên dự án.
- Quản lý dịch vụ (Service Management): Bao gồm quản lý hợp đồng dịch vụ, quản lý bảo trì và sửa chữa, quản lý đơn hàng dịch vụ và quản lý thu phí.
- Quản lý phân tích (Analytics): Bao gồm các công cụ và báo cáo phân tích để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh và đưa ra quyết định thông minh.
Ở thị trường Việt Nam, từ giai đoạn phát hành đến những năm trước 2020, mặc dù đã có nhiều khách hàng sử dụng SAP nhưng hầu hết đều chọn triển khai các giải pháp On-Premise chứ chưa muốn chuyển sang dùng dịch vụ Cloud. và khá ít khách hàng triển khai sử dụng SAP ByDesign. Nguyên nhân 1 phần là do lo ngại về vấn đề bảo mật của doanh nghiệp, đường truyền Internet chập chờn, các quy định của chính phủ về việc quản lý dữ liệu của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn khách hàng đều muốn sở hữu hệ thống riêng, tự build hạ tầng để quản lý mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn khá nhiều.
Ngoài 3 sản phẩm ERP kể trên, SAP còn có nhiều giải pháp và dịch vụ khác nhau. Mỗi giải pháp trong hệ sinh thái SAP đều đáp ứng các nhu cầu và lĩnh vực kinh doanh cụ thể như SAP Business Suite, SAP SuccessFactors, SAP Ariba, SAP Concur, SAP Customer Experience (C/4HANA) và nhiều hơn nữa mà mình không thể giải đáp hết trong 1 bài viết như thế này.
Hi vọng thông qua bài viết này, mình đã cung cấp đầy đủ các thông tin về SAP mà các bạn đang tìm kiếm. Nếu có các ý kiến, góp ý, các bạn có thể liên hệ mình thông qua các kênh tương tác hoặc để lại bình luận bên dưới bài viết này.
Mình là Khanh Nguyễn, và mình đã dành khá nhiều thời gian để viết bài viết này. Nếu các bạn có copy tham khảo vui lòng dẫn nguồn.
Trân trọng cảm ơn!!!