Chào mừng bạn đến với bài viết này, trong quá trình mình tư vấn SAP, mở rộng ra hơn sẽ có thêm các buổi liên quan đến các câu chuyện chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp đang trong quá trình lựa chọn sản phẩm ERP, lựa chọn nhà cung cấp giải pháp thì các Doanh nghiệp cần có một góc nhìn rộng hơn, chiến lược hơn để ngoài việc áp dụng phần mềm thì còn cần đáp ứng việc mở rộng trong tương lai.
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà là hành trình sống còn để doanh nghiệp vươn lên trong kỷ nguyên số. Đây là một hành trình dài, đầy thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để tái định hình cách doanh nghiệp vận hành và phát triển. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số, và cách SAP đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường này.
Một câu hỏi thường gặp là: “Liệu có một chuẩn mực nào cho chuyển đổi số không? Doanh nghiệp cần làm gì ở từng giai đoạn, và có giải pháp nào bao quát toàn bộ hành trình?” Thực tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tích hợp các giải pháp riêng lẻ – từ chuỗi cung ứng, tài chính, đến AI hay công nghệ thông minh. Những vấn đề như tích hợp hệ thống hay chất lượng dữ liệu trở thành rào cản lớn.
SAP mang đến giải pháp toàn diện hơn với Intelligent and Sustainable Enterprise Framework – mô hình doanh nghiệp thông minh và bền vững. Đây là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp định hình lộ trình chuyển đổi số, với trọng tâm là Cloud ERP, hỗ trợ 25 ngành công nghiệp từ sản xuất, bán lẻ đến thương mại. Với hơn 53 năm kinh nghiệm, SAP đã xây dựng các Best Practices – chuẩn mực quy trình tốt nhất, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành theo đặc thù ngành.
Trong xu thế công nghệ hiện nay, Cloud là nền tảng không thể bỏ qua. SAP tập trung phát triển các giải pháp Cloud ERP, tích hợp quản trị nhân sự, chi tiêu, và Business Network – kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp. Ví dụ, trong đại dịch, các tập đoàn như Vingroup đã sử dụng Business Network của SAP để ký hợp đồng trực tuyến, đảm bảo vận hành liền mạch mà không cần gặp mặt.
Điểm nhấn của giải pháp SAP là AI, đặc biệt sau làn sóng từ ChatGPT. AI không chỉ là công cụ cho doanh nghiệp mà đã thấm sâu vào từng khía cạnh cuộc sống. SAP đầu tư mạnh mẽ vào AI, tích hợp vào hệ thống ERP, giúp doanh nghiệp khai thác công nghệ mới nhất để ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Với mô hình này, lãnh đạo có cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp – từ nội lực, tiềm năng, đến khả năng phát triển.
Khi đó, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đừng nhảy thẳng lên AI, hãy nhìn xuống cái nền mình đang đứng.
Nghe hơi ngược đời ha? Đặc biệt là tại thời điểm này, khi các từ khóa như AI model, AI Agent đang hot. Nhưng đó là điều mình rút ra được được sau các dự án triển khai SAP cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Bởi vì để doanh nghiệp vận hành trơn tru bằng công nghệ, Doanh nghiệp phải triển khai qua ba tầng quan trọng, giống như xây nhà vậy – không có móng thì khó lên đến tầng thượng. Nghĩa là đã có core rồi, muốn làm gì thêm thì làm.
Đầu tiên là tầng ứng dụng (Applications). SAP không chỉ đưa ra mô hình tổng thể kiểu end-to-end, mà đi sâu vào quy trình ngành (industry process). Ví dụ, anh chị làm hàng tiêu dùng, SAP có sẵn quy trình chuẩn: từ lập kế hoạch nhu cầu (demand planning), mua nguyên liệu, đến sản xuất – 90-95% là best practice, doanh nghiệp nào cũng tận dụng được.
Mình thấy hay ở chỗ, khi tiếp cận tầng ứng dụng, doanh nghiệp chỉ cần trả lời ba câu: ngành mình là gì, cần quy trình end-to-end ra sao, và triển khai thế nào – từ đó, mình với SAP sẽ cùng làm cho nó trơn tru. Đặc biệt tại thời điểm này, SAP đã hoàn toàn lên Cloud.
Nhưng mà ứng dụng thôi chưa đủ, dữ liệu mới là vấn đề. Tầng thứ hai là tầng dữ liệu (data layer). Doanh nghiệp thường hay có bài toán dữ liệu rải rác: tài chính nằm ở ERP, sản xuất ở MES, bán lẻ ở POS, khách hàng thì ở CRM – mỗi nơi một cụm, không liên kết được với nhau, hoặc rời rạc.
Và nếu dữ liệu còn rời rạc, thì mình không thể có một bức tranh tổng thể, không thể dự báo chính xác, không thể tự động hoá.
Giải pháp là đưa tất cả dữ liệu về một nền tảng để nhìn toàn cảnh. Khi dữ liệu đã “giao tiếp được” với nhau, doanh nghiệp mới có nền tảng để tiến lên tầng tiếp theo.
Bây giờ mới tới AI. Không phải kiểu AI “demo cho vui”, không phải mời chuyên gia tới dạy dùng ChatGPT. Mà là AI nhúng thẳng vào dữ liệu kinh doanh, vào quy trình thật.
Ưu điểm lớn nhất là AI của SAP – gọi là Business AI – không chung chung. Nó được đào tạo sẵn trên dữ liệu doanh nghiệp, trong ngữ cảnh kinh doanh (business context).
Mình có một ví dụ: mọi người đi mua đồ nội thất, chọn bàn chỗ này, ghế chỗ kia, đèn chỗ khác, gom lại cũng thành một phòng đẹp, nhưng nếu nhờ một người thiết kế, họ biết phòng anh chị là 20m², thích phong cách tối giản, họ sẽ chọn đồ hợp hơn, tiết kiệm thời gian hơn. AI của SAP giống vậy. Nó không chỉ lấy dữ liệu rồi phân tích, mà hiểu quy trình doanh nghiệp – từ tài chính, sản xuất, đến chuỗi cung ứng – rồi đưa gợi ý sát sườn.
So với cách tự xây từ đầu ví dụ như: gom dữ liệu từ CRM, sản xuất, rồi tạo dimension, pattern cho AI học – mất cả năm, tốn GPU, tốn chi phí đào tạo. Mà chưa chắc với phòng hạ tầng, server 10 năm trước có thể đáp ứng được nữa.
Còn SAP đã làm sẵn phần đó, AI của SAP đã được huấn luyện trên hàng triệu giao dịch tài chính, quy trình sản xuất, nên doanh nghiệp không bắt đầu từ số 0, mà từ số 5, số 6, đi tới 10 nhanh hơn.
Ba tầng này như cái thang: ứng dụng là bậc đầu, dữ liệu là bậc giữa, AI là đỉnh. Thiếu tầng nào cũng khó đi xa.
Để đẩy nhanh chuyển đổi số, SAP giới thiệu SAP S/4HANA Cloud – gói giải pháp toàn diện, không chỉ là phần mềm mà là nền tảng tích hợp:
- S/4HANA Cloud: Hệ thống ERP thế hệ thứ tư, vận hành trên nền tảng HANA, mang lại khả năng quản trị thời gian thực.
- Cơ sở hạ tầng: Được cung cấp bởi các đối tác chiến lược như Google, giúp doanh nghiệp không phải lo lắng về hạ tầng.
- Công cụ công nghệ: Hỗ trợ tự động hóa và tích hợp, như SAP Business Network Document (BND) giúp xử lý hóa đơn điện tử nhanh chóng.
- Business Process Intelligence: Công cụ đo lường và tối ưu quy trình, giúp doanh nghiệp xác định điểm nghẽn và cải tiến liên tục.
- Dịch vụ và ứng dụng: Đáp ứng nhu cầu đa dạng, từ quản trị tập đoàn đến tích hợp AI và công nghệ bền vững.
Lợi ích của SAP S/4HANA Cloud là gì?
- Tăng tốc triển khai: Rút ngắn thời gian triển khai trung bình 2 tháng so với phương pháp truyền thống.
- Hiệu quả vận hành: Cam kết uptime 99.7%, bảo mật cao, và cập nhật phiên bản mới nhất.
- Linh hoạt mở rộng: Dễ dàng tích hợp các tính năng mới như AI hay mở rộng quy trình kinh doanh.
- Chi phí tối ưu: Một hợp đồng duy nhất, giảm tổng chi phí đầu tư so với tích hợp từng giải pháp riêng lẻ.
Với S/4HANA, giao diện hiện đại, KPI trực quan, và khả năng truy cập trên thiết bị di động giúp lãnh đạo theo dõi sức khỏe doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Từ quy trình mua sắm, sản xuất, đến tài chính, mọi thứ đều được tối ưu hóa và hiển thị trực quan, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng.
SAP S/4HANA Cloud không chỉ là giải pháp công nghệ, mà là nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng một “ngôi nhà số” vững chắc, sẵn sàng mở rộng và đổi mới. Với chiến lược tích hợp AI có ngữ cảnh, được kiểm soát bởi con người và tuân thủ đạo đức kinh doanh, SAP cam kết đồng hành cùng Doanh nghiệp, từ bước đầu tiên đến đích cuối trong hành trình chuyển đổi số.