Chào mừng các bạn đã đến với bài viết này. Sau khi mình share thông tin về chuỗi bài viết "Học SAP, Làm SAP - Bắt đầu từ đâu", mình có nhận thêm các câu hỏi về điều kiện để làm trong ngành SAP là gì, điều kiện nào để trở thành SAP Consultant,... thì đây là một số thông tin mà mình có thể cung cấp cho các bạn.
Cũng giống như các ngành nghề khác, để trở thành SAP Consultant cũng cần có một số các yêu cầu cơ bản:
I/ Kỹ năng ngoại ngữ:
Đây là kỹ năng đầu tiên và khá quan trọng. SAP là 1 sản phẩm được phát triển bởi người Đức, các tài liệu của SAP hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh, và một số ngôn ngữ khác. Các cổng hỗ trợ của SAP hay các kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình làm việc đều được viết và chia sẻ bằng tiếng Anh là chủ yếu. Ngoài các bộ tài liệu chính thống của SAP (tài liệu training, sách hướng dẫn, giao diện sử dụng,..), việc tương tác với hệ thống hoặc giao tiếp với các chuyên gia SAP ở khu vực cũng đa phần đều bằng tiếng Anh. Đó là lý do các bạn nên trang bị cho mình một vốn kiến thức đủ vững để đọc hiểu xem trên đó đang nói về cái gì, hướng dẫn mình điều gì,...
Trong ngành SAP, các bạn sẽ có cơ hội lớn để làm việc với các đồng nghiệp trong môi trường quốc tế, đa quốc gia, do đó các kiến thức về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp của bản thân phải tốt để thể tương tác, trao đổi chuyên môn với họ. Đây là một điều kiện cần có và cũng là một cơ hội lớn để các bạn có thể phát triển bản thân của mình hơn.
II/ Kiến thức và kinh nghiệm thực tế
Điều kiện này sẽ hơi khó hơn một tí xíu.
Sản phẩm của SAP đáp ứng rất rộng cho nhiều ngành nghề khác nhau, và trong SAP hiện tại cũng có nhiều function khác nhau (FICO, SD, MM, PP,...) do đó đối với các bạn làm Consultant các bạn sẽ chọn cho mình 1 phân hệ chuyên môn cho chính bản thân để có thể đào sâu kiến thức về nó.
Ví dụ khi đã chọn trở thành Consultant FICO (Finance and Controlling) rồi thì bắt buộc bạn sẽ phải học và biết mọi thứ liên quan đến FICO. Sẽ rất tệ nếu vấn đề liên quan đến tài chính kế toán và buộc FICO phải giải quyết nhưng bạn lại không đủ kiến thức về nó. Có thể những phần nghiệp vụ chuyên môn khác ở các module khác bạn không biết thì sẽ được trợ giúp từ các đồng nghiệp khác, còn liên quan đến chuyên môn của mình thì mình sẽ phải tự giải quyết. Và ở vị trí này, người bạn gặp thường xuyên nhất là Kế toán trưởng bên khách hàng. Như các bạn cũng đã biết, Kế toán trưởng là một người có rất nhiều kinh nghiệm thực tế và làm rất lâu năm. Khi mình hỏi và trao đổi với họ thì đây cũng là một cơ hội để mình học hỏi thêm rất nhiều. Hãy dần dần tích lũy kiến thức của bản thân từ đây. Từ đó, các bạn sẽ ý thức được bản thân mình sẽ tư vấn điều gì, giải quyết vấn đề ra sao để có thể tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng. Thông thường các bạn sẽ phải có kiến thức đặc thù của từng ngành nghề cụ thể, hiểu được quy trình doanh nghiệp mà mình cần tư vấn.
>> Đọc thêm:
"Học SAP, làm SAP - Bắt đầu từ đâu?"
"Một hướng đi của ngành Hệ thống thông tin: Nghề ERP"
"Định hướng nghề nghiệp với SAP"
"Sơ lược vị trí SAP Consultant và lộ trình phát triển nghề nghiệp"
Một ví dụ khác, trong ngành siêu thị, các bạn phải hiểu cách mà hệ thống kế toán chạy như thế nào, khâu kiểm kê tồn kho ra sao, cách ghi nhận doanh số bán,...; trong ngành sản xuất thì cách phân bổ giá vốn ra sao, lập kế hoạch MRP như thế nào,...khi đó các bạn mới có thể nói chuyện và tư vấn cho khách hàng được.
Đối tượng các bạn tư vấn sẽ là lãnh đạo hoặc quản lý cấp cao - những người có quyền ra quyết định ở các công ty, doanh nghiệp lớn, các giải pháp các bạn đưa ra sẽ giải quyết các bài toán thực tiễn cho khách hàng. Trong quá trình tư vấn mà mình nói sai 1-2 ý thì họ sẽ không nghe mình nói tiếp hoặc là khi tư vấn xong nhưng áp dụng thực tế lại không được thì họ sẽ không còn tin tưởng mình nữa.
III/ Chứng chỉ quốc tế SAP
Khoảng 10-15 năm trước đây, khi SAP mới bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam, mọi người khi muốn học hệ thống này thường sẽ không có nhiều nguồn tài liệu và điều khó khăn là cũng không có đối tác nào đào tạo tại Việt Nam. Khi đó, bạn muốn học 1 phân hệ có người giảng thì chúng ta phải sang nước ngoài như là Singapore hoặc Thái Lan. Chi phí cho các khóa học cho 1 phân hệ này khá cao, đâu đó khoảng 10.000$ chưa bao gồm các chi phí đi lại và lưu trú.
Bình thường đối với các bạn sinh viên mới học ra thì các bạn chỉ biết được kiến thức trong sách vở thôi. Kiến thức mình được học và thực tế là hoàn toàn khác nhau. Hiện tại, các bạn cũng có thể bắt đầu lại từ vị trí Fresher từ một đơn vị triển khai như TDI, Bosch, Citek, FPT, Abeam,... (các đơn vị này thường tuyển dụng và đào tạo thực tiễn) và bắt đầu lộ trình học, tham gia dự án. Đây là môi trường khá tốt để các bạn tìm hiểu.
Hoặc khi các bạn tham gia với vị trí từ tư vấn bên phía đối tác triển khai hay người dùng, thông thường chúng ta phải tự tìm hiểu từ đầu, các bạn có thể theo học các anh chị có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn triển khai SAP. Nhưng ở đó sẽ có những giới hạn về công việc, cũng khó chứng nhận năng lực đó và cũng có nhiều khó khăn trong vấn đề học chuyên sâu hơn. Lúc đó chúng ta sẽ mất khá nhiều thời gian hơn.
Thay vì như vậy, các bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học cơ bản đào tạo về SAP. Đầu tiên là học về chức năng hệ thống, tiếp theo là các quy trình nghiệp vụ. Sau đó chúng ta đã nắm về hệ thống và lấy các chứng chỉ của SAP ở bất kỳ cấp độ nào thì coi như chúng ta cũng có được một tấm vé thông hành. Các chứng chỉ này có giá trị Global và thực ra cũng không dễ để lấy được nó. Khi các bạn có được nó cũng chứng tỏ rằng bạn đã nắm được hết các quy trình nghiệp vụ về SAP có thể hỗ trợ. Các chứng chỉ này rất có giá trị để các bạn có thể tự tin hơn khi muốn apply vào một công ty nào đó ngay cả các vị trí như consultant, phía hỗ trợ doanh nghiệp hay ở vị trí người dùng hệ thống.
Để có được chứng chỉ SAP, bạn phải trải qua quá trình rèn luyện kiến thức, thực hành và những kỹ năng thực tế. Chứng chỉ SAP được công nhận rộng rãi trên thế giới, đây là minh chứng cho quá trình ứng viên học tập nghiêm túc và thực hành trong các module được chọn. Tất nhiên chứng chỉ SAP sẽ không thể biến một tư vấn nghiệp dư thành chuyên gia ngay tức khắc nhưng lại mang lại lợi ích lâu dài trong chặng đường sự nghiệp và là bàn đạp cung cấp những cơ hội việc làm tốt cho bạn. Nó cũng sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian phát triển trong chặng đường nghề nghiệp của bản thân.
Mình cũng tìm được một thống kê của Pearson VUE về các lợi ích khi có chứng chỉ SAP như bên dưới:
Chứng chỉ sẽ chứng nhận ở các cấp độ:
-
Associate certifications: Được thiết kế cho những người mới sử dụng các giải pháp SAP và có thể đã tìm hiểu về các công nghệ SAP từ sách hướng dẫn hoặc các khóa đào tạo.
-
Specialist certifications: Các chứng chỉ này được xây dựng dựa trên mức độ associate và cộng thêm một số kỹ năng chuyên sâu.
-
Professional certifications: Những chứng chỉ này công nhận những cá nhân có kiến thức sâu về các giải pháp SAP và kinh nghiệm thực tiễn.
Hi vọng với các chia sẻ này, bản thân mình đã cung cấp một số thông tin cần thiết thêm cho các bạn trên con đường trở thành SAP Consultant.